Hoà âm tự nó không mang đầy đủ ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, mà phải đặt nó trong tổng thể của tác phẩm âm nhạc cùng với sự thống nhất liên tục của nhiều phương tiện diễn tả khác, như giai điệu, tiết tấu, âm sắc, cường độ v.v…. Do đó, ta thấy hòa âm trước hết phụ thuộc vào giai điệu – bởi giai điệu là nhân tố cơ bản của ngôn ngữ âm nhạc. Và ngược lại, hoà âm cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính truyền cảm của giai điệu. Nó củng cố giai điệu với một màu sắc mới, để nâng tác phẩm lên một bình diện cao hơn, có hiệu quả hấp dẫn, lôi cuốn hơn, khác hẳn khi chỉ có nét giai điệu mang vai trò chủ đạo mà thiếu đi phần hoà âm làm nền hỗ trợ.
Nhìn chung, hoà âm là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, nhiều khi còn hơn cả giai điệu và tiết tấu trong việc khắc họa hình tượng nghệ thuật đối với tác phẩm âm nhạc. Nó không chỉ tạo ra màu sắc, mà còn giúp phân định ranh giới giữa các câu, đoạn, góp phần định hình nên cấu trúc tác phẩm.
Việc hiểu đúng và sử dụng hợp lý các hợp âm để nên một bản hòa âm hay đòi hỏi người học đàn piano, guitar hay các nhạc cụ có tính năng đệm cần nắm vừng kiến thức về hòa âm cũng như ý nghĩa của nó.
Những khái niệm cơ bản về hòa âm – hợp âm
Chồng âm – hợp âm – hoà âm
Chồng âm: là sự kết hợp của những âm bất kì nào đó vang lên cùng một lúc.
Hợp âm: là chồng âm không dưới ba âm, khác nhau về cao độ, được sắp xếp theo trật tự quãng ba.
Trật tự quãng ta có thể thay đổi, khi đảo vị trí của các âm trong đó và các chồng âm này vẫn được xem là những hợp âm.
Hoà âm: là sự kết hợp của các âm thành chồng âm và sự liên hệ nối tiếp nhau có quy luật của các chồng âm đó. Nói tóm lại, hoà âm là môn học nghiên cứu về sự cấu tạo và nối tiếp của các hợp âm theo một quy luật nhất định.
Các loại hợp âm và tên gọi của chúng
Hợp âm sử dụng trong hoà âm, thường có ba loại chủ yếu, đó là:
- Hợp âm ba
- Hợp âm bảy
- Hợp âm chín
Tên các âm trong hợp âm (HÂ): tính từ âm thấp nhất là âm 1, các âm tiếp theo là âm 3, 5, 7, 9 (từ âm 3 được gọi tên theo quãng hợp thành, giữa âm 1 và âm đó). Tên gọi các âm không thay đổi, dù chúng ở vị trí nào trong hợp âm.
Hợp âm gốc và các thể đảo của chúng:
Các hợp âm đều có thể trình bày dưới hình thức gốc hay đảo. Trong hình thức gốc, mọi âm đều xếp trên âm gốc (âm 1) của chúng. Những âm này có thể ở bất cứ vị trí nào, không theo trật tự quãng 3.
Trong hình thức đảo, âm dưới cùng (âm làm nền) là bất kỳ âm nào (trừ âm gốc). Riêng hợp âm 9 không dùng thể đảo (và ít sử dụng).
- Hợp âm ba (HẬ3) có hai thể đảo gọi là hợp âm sáu (HÂ6) và hợp âm sáu bốn (HÂ6/4).
Hợp âm bảy (HÂ7) có ba thể đảo: gọi là hợp âm sáu năm (HA6/5), hợp âm bốn ba (HA4/3) và hợp âm hai (HÂ2)
Những âm ngoài hợp âm
Khái niệm chung:
Trong âm nhạc, mỗi âm của giai điệu có thể là âm thuộc hợp âm hay ngoài hợp âm, tùy theo quan hệ của nó với hợp âm vang lên cùng một lúc.
Những hình thức khác nhau của các âm ngoài hợp âm:
* Âm thêu (th): là âm nối liền bậc – trên hay dưới – giữa hai âm cùng cao độ, thường nằm ở phách yếu.
* Âm lướt (I): là âm nối tiếp liền bậc đi lên hoặc đi xuống chen giữa hai âm khác cao độ và thường ở phách yếu.
* Âm sớm (s): là âm thuộc hợp âm sau, nhưng xuất hiện trước ở phách yếu.
* Âm muộn (m): là âm thường ở phách mạnh của hợp âm trước, ngân sang hợp âm sau và giải quyết ở phách yếu hơn.
Tải tài liệu học nhạc (PDF): Tại đây