Tài liệu, giáo trình, sách Đối âm thực hành

Đối âm: (hay còn được dịch là Đối vị)

Contrapunctum (tiếng Ý)  | Contrepoint (tiếng Pháp)

Counterpoint (tiếng Anh) | Kontrapunkt (tiếng Đức)

Đối âm – hay Đối vị – là một thuật ngữ âm nhạc bắt nguồn từ “punctus contra punctum” (tiếng Latin), có nghĩa là “điểm đối điếm” hay chính xác hơn là “nốt đối nốt”, và hiểu theo nghĩa rộng hơn là “giai điệu đối giai điệu”.

Theo một số quan điểm, Đối âm được xem gần như đồng nghĩa với Phức điệu (polyphong) – một dạng cấu trúc âm nhạc (texture) chứa đựng đồng thời hai hay nhiều giai điệu. Nhưng thật ra, hai thuật ngữ này lại có ý nghĩa khác nhau. 

Phức điệu là một kiểu cấu trúc âm nhạc nhiều bè (Polyphonic texture)

Để phân biệt với cấu trúc âm nhạc Đơn điệu (Monophonic texture – được trình bày ở dạng một bè) và với cấu trúc âm nhạc Chủ điệu (Homophonic texture – cũng là một dạng âm nhạc nhiều bè nhưng được tổ chức thành một giai điệu chủ đạo và một phần đệm hòa âm). Trong cấu trúc âm nhạc Đơn điệu và Chủ điệu, người nghe thường tập trung vào giai điệu, còn trong cấu trúc âm nhạc Phức điệu, người nghe thường dõi theo giai điệu nổi bật từ nhiều bè khác nhau.

Còn Đối âmkỹ thuật kết hợp đồng thời các giai điệu theo cấu trúc âm nhạc Phức điệu. Hay nói cách khác, Đổi âm là kỹ thuật chủ yếu để xây dựng các tác phẩm âm nhạc phức điệu.

Hoặc Phức điệu cũng còn được xem là phong cách âm nhạc nhiều bè của thời Trung cổ và thời kỳ Phục hưng (cho đến thế kỷ 16) – gọi chung là Medieval Polyphony, hay còn được gọi là Đối âm Nghiêm khắc, như Đối âm của Palestrina, Đối âm của Lasso, vv….

Trong khi Đối âm lại thường được xem là phong cách âm nhạc phức điệu của thời kỳ sau này (thế kỷ 17 – 18), còn được gọi là Đối âm Tự do, như Đối âm của J. S. Bach.

Như vậy, trong chừng mực nào đó, trừ âm nhạc có cấu trúc đơn điệu, tất cả hình thức trình bày âm nhạc có cấu trúc nhiều bè – dù là phức điệu hay chủ điệu – đều chứa đựng đặc điểm của Đối âm. Nhưng ý nghĩa thật sự của Đối âm đó là: sự kết hợp cùng một lúc của nhiều giai điệu bình đẳng và độc lập trong tiến hành.

Trong thực tế, tuy có nhiều cấu trúc âm nhạc không có đặc điểm của Đối âm, nhưng việc xây dựng những bè mang tính độc lập vẫn là một trong những thủ pháp cơ bản nhất để làm cho âm nhạc thêm phong phú và thú vị. Ngay cả khi một tác phẩm âm nhạc có thể không thật sự được gọi là “Đối âm” hay “Phức điệu” thì phần đệm vẫn có thể mang đặc điểm Đối âm một cách đầy đủ.

Tóm lại, ta có thể hiểu Đối âm như sau:

  1. Là kỹ thuật tạo nên những giai điệu độc lập mang tính đối chọi, tương phản lẫn nhau, nhưng đồng thời, khi kết hợp cùng lúc với nhau, những giai điệu đó phải đạt được sự hài hòa theo những nguyên tắc nhất định. 2.
  2. Đối âm – kỹ thuật xây dựng tác phẩm âm nhạc phức điệu. Hòa âm – một trong những kỹ thuật để xây dựng tác phẩm âm nhạc chủ điệu.

Điểm chung của cả hai kỹ thuật này là đều dựa trên những nguyên tắc kết hợp nhiều bè theo mối tương quan chiều dọc (kết hợp hòa điệu) sao cho hài hòa.

Nhưng ngoài yếu tố chung trên, Hòa âm và Đối âm có sự khác biệt cơ bản là:

Trong Hòa âm – nguyên tắc kết hợp các bé theo tương quan chiều dọc đã được hệ thống hóa thành những hợp âm và ý nghĩa chức năng hòa âm của chúng trong một cơ cấu điệu tính nhất định. Chính vì thế, Hòa âm chú trọng đến những nguyên tắc kết hợp các hợp âm theo tương quan chiều ngang (tiến hành hòa âm), để trên cơ sở đó có thể tạo nên phần đệm – một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc âm nhạc chủ điệu.

Trong cách trình bày hòa âm theo lối bốn bè, trừ hai bà ngoài cùng (soprano và bass), “tính giai điệu” của hai bè giữa (alto và tenor) thường ít được chú trọng đến, chúng chỉ chuyển động sao cho hợp lý và đúng luật liên kết các hợp âm là đủ.

Trong Đối âm – mỗi một âm thanh vang lên trong từng bè và | trong từng thời điểm đều phải tuân theo những nguyên tắc kết hợp chiều dọc với các âm ở các bé khác trong cùng thời điểm sao cho hài hòa, đồng thời phải tuân theo những nguyên tắc kết hợp chiều ngang với các âm khác trong cùng một bè sao cho bé đó thật sự là một giai điệu đẹp, độc lập, vừa hài hòa nhưng lại vừa tương phản với giai điệu của các bè khác.

Đối âm xuất hiện trong âm nhạc Tây Âu vào khoảng cuối thời kỳ Trung Cổ (khoảng thế kỷ 9) từ việc các nhạc sĩ sử dụng các giai điệu có sẵn – cantus firmus – để viết thêm một hoặc nhiều bè chuyển động cùng hướng cách quãng 4 đúng và quãng 8 đúng với giai điệu ấy.

Càng về sau (trong một vài thế kỷ), các nhạc sĩ từng bước nghiên cứu nhằm tạo ra những giai điệu mang tính độc lập hơn, phù hợp với những quy luật về hòa điệu và với những đường nét tiết tấu khác biệt hơn.

Kỹ thuật Đối âm đạt đến mức hoàn thiện vào thế kỷ 16 – thời kỳ vàng son của âm nhạc phức điệu – qua các tác phẩm của Palestrina, Lasso và nhiều nhạc sĩ khác (chủ yếu biết cho thanh nhạc). Kỹ thuật Đối âm thời kỳ này – được gọi là Đối âm Nghiêm khắc hay Đối âm Cổ điển – đã được hệ thống lại một cách chặt chẽ thành những quy luật về cấu tạo giai điệu từng bè, quy luật về sự kết hợp hòa điệu, tiết tấu và chuyển động giữa các bè, và đã trở thành nguyên tắc duy nhất cho việc sáng tác âm nhạc thời bấy giờ.

Đến nửa đầu thế kỷ 18, Đối âm lại được thăng hoa một lần nữa trong âm nhạc của Bach, Handel, Pachelbel, Corelli, Couperinh và một số nhạc sĩ khác. Kỹ thuật Đối âm Nghiêm khắc đã được sử dụng một cách tự do hơn dựa trên cơ sở những yêu cầu của lối viết cho khí nhạc, cũng như của hòa âm-gọi là Đối âm Tự do.

Trong thời kỳ âm nhạc cổ điển và Lãng mạn (cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19), các nhạc sĩ có khuynh hướng diễn đạt cảm xúc trực tiếp hơn bằng cách kết hợp giai điệu với những phần đệm hòa âm biển đối, Đối âm chỉ còn được xem như là một môn học luyện kỹ năng và là một trong những thủ pháp phát triển âm nhạc.

Mục đích chủ yếu của việc học Đối âm, là giúp cho người học nhận biết hoặc tăng thêm sự cảm nhận về yếu tố “contrapuntal” hiện diện trong hầu như tất cả các tác phẩm âm nhạc, qua đó, người học có thể cảm nhận được sức mạnh của sự tương phản và hài hòa, sự căng thẳng và thư giãn, hướng chuyển động và cao trào, diễn ra bất cứ khi nào có hai hoặc nhiều bè vang lên cùng một lúc.

Qua Đối âm, người học có thể học tập được những cách tiến hành những giai điệu của mỗi bè đẹp, tốt và đồng thời kết hợp với nhau một cách hài hòa trong tiến hành hòa âm; tiếp thu những cách ứng dụng các âm nghịch cũng như các thủ pháp viết cho hợp xướng.

Đối âm cùng với Hòa âm là hai môn học cơ bản của nghệ thuật âm nhạc, được xem tương tự như ngữ pháp trong văn học. Người học cần phải có kiến thức về Hòa âm (toàn bộ hoặc một phần nào đó) mới có thể học tốt Đối âm. Và ngược lại, khi đã biết Đối âm, người học có thể thực hiện Hòa âm một cách hiệu quả hơn. Vì nói cho cùng, trong Đối âm có Hòa âm và trong Hòa âm có Đối âm.

Tài liệu này được biên soạn chủ yếu dựa trên những nguyên tắc và phương pháp thực hành lối viết Đối âm theo phong cách tự do, đồng thời tham khảo và đổi chiều đến những nguyên tắc cũng như phương pháp thực hành của Đối âm theo phong cách nghiêm khắc.

Trính dẫn từ tác giả: Lê Hồng Phúc

Tải sách, giáo trình .PDF Đối âm thực hành (Phần 1/5)

Tải sách, giáo trình .PDF Đối âm thực hành (Phần 2/5)

Tải sách, giáo trình .PDF Đối âm thực hành (Phần 3/5)

Tải sách, giáo trình .PDF Đối âm thực hành (Phần 4/5)

Tải sách, giáo trình .PDF Đối âm thực hành (Phần 5/5)