Khái quát phối hòa âm cho giai điệu
Những giai điệu theo phong cách chủ điệu, áp dụng kiểu phối chi tiết như đối với các bài tập kĩ năng sẽ khó thực hiện. Dùng cách phối tự do với lối nối tiếp mang tính khái quát do sức hút dẫn công năng là chính, sẽ đáp ứng phần nào việc phối hòa âm cho các giai điệu phổ thông
Rải rác trong các chương, giáo trình đã đề cập đến cách đặt công năng cho bài hát, nhưng đó chỉ là những bài tập thực hành với từng hợp âm cho mỗi phần lý thuyết. Nay, sẽ là sự tổng hợp cách phối này với toàn bộ các hợp âm Diatonic đã học. Đặc biệt, việc nắm vững đủ các hợp âm trong điệu thức, từ hợp âm ba đến hợp âm bảy là rất cần thiết, để phối cho những giai điệu phức tạp, cầu kỳ hơn, mà màu sắc hoà âm càng thêm phong phú.
Mỗi giai điệu khi có một phần đệm tương xứng hỗ trợ, thì có thể coi là một tác phẩm dù là rất nhỏ và đơn giản. Viết phần đệm không có nghĩa là chỉ đặt công năng, hợp âm thích hợp cho các âm trong giai điệu, mà phải tùy vào tính chất, tốc độ cùng nhịp điệu của nó để triển khai một phần đệm hợp lý.
Giai điệu du dương trữ tình phải có một phần đệm khác với loại giai điệu tươi trẻ, vui nhộn. Hay sự trang trọng, trầm hùng của giai điệu cũng phải có một cách xử lý khác với loại mang tính chất hài hước, dí dỏm… Từ đó mới nảy sinh những âm hình đệm cho từng loại giai điệu, khiến cho âm nhạc trở nên sâu sắc với các tính chất vui hay buồn, suy tư hay tế nhị, nhẹ nhàng. Âm hình đệm này chính là những công năng hoà âm đã được âm hình hoá dưới nhiều hình thức rất phong phú.
Âm nhạc điệu tính được giới thiệu trong giáo trình, chủ yếu xoay quanh các điệu thức trưởng, thứ (tự nhiên và hoà âm) theo lối cổ điển châu Âu, là loại thang âm được nhiều nhạc sĩ trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang sử dụng trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó là sự tổn tại song song loại điệu thức 5 âm (ngũ cung) rất phổ biến, đặc biệt trong âm nhạc cổ truyền châu Á, trong đó có Việt Nam. Một giai điệu xây dựng trên thang 5 âm, cũng có thể sử dụng các dạng hợp âm của hoà âm cổ điển châu Âu. Nhưng muốn tránh âm hưởng này, thì phải dựa vào thang 5 âm để đặt những hợp âm phù hợp. Thiết nghĩ, đây cũng là một phương cách phối hoà âm cho những giai điệu muốn giàu âm hưởng dân tộc, hoặc các giai điệu dân ca một cách có hiệu quả.
Mục tiêu kiến thức
Chương này, giúp học viên viết phần đệm đơn giản cho ca khúc, qua một số âm hình cơ bản và cách phối hoà âm cho giai điệu trên thang 5 âm.
– Phối hòa âm cho giai điệu phổ thông (theo phong cách chủ điệu)
– Khái lược một số âm hình đệm cơ bản.
– Viết phần đệm đơn giản cho ca khúc.
– Hợp âm và cách xây dựng hợp âm trên thang 5 âm.
– Viết phần đệm cho những giai điệu trên thang 5 âm.
Cách phối tự do cho giai điệu của ca khúc phổ thông
Trong thực tế, tác phẩm âm nhạc (nói chung) hầu như được viết theo phong cách chủ điệu. Đặc biệt là những ca khúc phổ thông hiện hành cả của nước ngoài và Việt Nam. Nghĩa là, ngoài giai điệu do tác giả sáng tác, phần đệm (hoà âm) được phối tự do, thường do người sử dụng tùy hứng đặt vào. Hoà âm lúc này chỉ mang ý nghĩa phụ họa, làm nền, giúp cho giai điệu có thêm sức sống, tăng màu sắc biểu hiện và tạo sự hấp dẫn lôi cuốn hơn cho tác phẩm mà thôi. Nhưng trên thực tế, việc phối hoà âm cho giai điệu với tư duy có logic chặt chẽ và được khai thác tối đa, thì chắc chắn tác phẩm sẽ được nâng lên một bình diện mới, với ấn tượng mới đặc biệt sâu sắc và với vẻ đẹp độc đáo, khác hẳn so với giai điệu vốn có trước đây.
Để phối hoà âm lúc này, căn bản vẫn phải dựa trên cơ sở điệu thức đang sử dụng trong tác phẩm. Sức hút dẫn công năng theo công thức đã học: T – S – D – T là vấn đề rất quan trọng phải luôn chú ý. Mặt khác, việc lựa chọn hợp âm nào tương đối phù hợp nhất cho nét giai điệu (có thể là vài ba âm cho tới vài nhịp nhạc) cũng là điều cần thiết, phải hết sức quan tâm. Tuy vậy, yêu cầu phối hoà âm trong phần này chỉ cần đạt sự chính xác và hiệu quả một cách tương đối, không nên quá cầu kỳ, phức tạp…
Ta có thể dựa vào luật nhịp của tác phẩm, nghĩa là đặt hợp âm theo từng loại nhịp như nhịp 24 hay nhịp 34, với mỗi nhịp là một chức năng chẳng hạn. Hoặc, có thể dựa vào tiết tấu nhanh, chậm của từng nét giai điệu, từng câu nhạc, để thay đổi hợp âm cho phù hợp. Cũng có thể tìm ra những âm có tính “đại diện” cho toàn nét nhạc, rồi đặt hợp âm tương ứng…
Như vậy, để phối hoà âm cho giai điệu theo phong cách chủ điệu (hay có thể xem như đặt hợp âm cho giai điệu phổ thông) nên dựa vào các cách sau:
Đặt hợp âm giai điệu theo loại nhịp
– Nếu các âm (hay hầu hết các âm) trong nhịp thuộc cùng hợp âm, chỉ việc đặt công năng chung cho toàn giai điệu của nhịp. Cách phối này là tương đối dễ dàng, thuận lợi.
– Nếu các âm trong nhịp không hoàn toàn thuộc hợp âm, có thể bỏ qua, hoặc lựa số âm tối đa có thể quy vào hợp âm, rồi chọn ra công năng thích hợp cho cả nhịp (hoặc trọng âm của nhịp).
Đặt hợp âm theo sự chuyển đổi của các âm trong giai điệu
Loại này tương đối phức tạp, cần phải chú ý tới tốc độ nhanh, chậm và đặc biệt là những âm ngoài hợp âm nằm trong giai điệu đó.
– Nếu giai điệu với tốc độ chậm, có thể thay đổi hợp âm ở bất kì phách nào dù mạnh hay yếu mà không cần dựa vào luật nhịp. Cách phối này giúp cho giai điệu tự do, rộng rãi hơn và luôn phong phú về màu sắc hòa âm.
Còn giai điệu có tốc độ nhanh, hợp âm thường thay đổi ở phách mạnh, vừa làm nổi rõ chức năng lại vừa làm nổi rõ loại nhịp. Cách phối này phần nào giống như kiểu a của phần đặt hợp âm theo loại nhịp.
Hướng dẫn thực hành
a. Xác định điệu thức của bài phối.
b. Xem xét loại nhịp và sự chuyển động nhanh, chậm của tiết tấu trong giai điệu, để chọn ra cách phối phù hợp.
Lưu ý:
– Nếu tiết tấu khoan thai, hợp âm thay đổi tuỳ chỗ và có thể phối dày.
– Nếu tiết tấu nhanh, nên đặt hợp âm thưa, thoáng.
c. Đặt công năng cho từng âm hay từng nét của giai điệu.
– Cố gắng thay đổi hợp âm, không nhắc lại, để tránh sự đơn điệu. Sử dụng hợp âm phong phú, hợp lý giai điệu sẽ luôn có màu sắc mới mẻ. Với những nét nhắc lại, có thể dùng vòng hòa âm mang tính chu kỳ, không nhất thiết phải quá chi tiết.
– Chú ý sức hút dẫn công năng trong điệu thức.
Hãy xem cách đặt hợp âm cho đoạn trích của 3 ca khúc: “Bài ca may áo”, “Đẹp sao người chiến sĩ biên cương” và “Tuổi đời mênh mông”.
Sau khi xác định điệu tính và xem xét giai điệu ca khúc thứ nhất, ta chọn cách đặt hợp âm theo kiểu a phần đặt hợp âm theo loại nhịp cho ca khúc này.
Giai điệu trong các nhịp từ 1 đến 4 đều thuộc chức năng chủ. Dùng hợp âm t và to để phối. Sang nhịp 5 bỏ qua âm si (phách yếu cuối cùng), các âm còn lại có thể dùng chức năng t hoặc tsVI. Hãy chọn tsVI để màu sắc hoà âm được thay đổi. Tới nhịp 6 có các âm thuộc dtIII; còn nhịp 7 là các âm thuộc hạ át nghịch s7. Dẫn sang các nhịp 8, 9, 10, có thể dùng những chức năng khác nhau cho thêm phong phú, nhưng phải hợp lý. Cụ thể, đặt các hợp âm dtIII, d và t với các thể đảo có sự lựa chọn, như vậy sẽ được 1 bè trầm liền bậc mang tính giai điệu từ âm La của tsVI đi xuống âm Đô thuộc t (từ nhịp 5 đến 10). Cứ tiếp tục với cách làm này đến nhịp cuối, phần hoà âm cho ca khúc đã được hoàn tất.
Với bài “Đẹp sao người chiến sĩ biên cương” trên điệu tính Mi trưởng, có phần giai điệu khá phức tạp và uyển chuyển hơn, nên chọn cách đặt hợp âm theo kiểu a phần đặt hợp âm theo sự chuyển đổi của các âm trong giai điệu.
Việc đặt hợp âm cho bài này cũng với cách làm tuần tự từng bước như ở bài trước…
Còn ở bài “Tuổi đời mênh mông”, có nét giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, nên dùng lối đặt công năng theo kiểu b phần đặt hợp âm theo sự chuyển đổi của các âm trong giai điệu là rất phù hợp. Việc sử dụng xen kẽ giữa các hợp âm gốc và đảo với nhiều công năng khác nhau, sẽ cho màu sắc hòa âm luôn thay đổi, mới mẻ.
Nhìn chung, việc phối hoà âm cho giai điệu mang tính chủ điệu thường tự do, phóng khoáng trong quy luật tiến hành bè cũng như cách sử dụng các hợp âm. Chẳng hạn, trong ca khúc “Bài ca may áo”, hợp âm d64 được dùng ở đầu nhịp (phách mạnh) là không đúng với nguyên tắc về cách dùng hợp âm 64 đã trình bày trong học phần thứ nhất. Nhưng hợp âm 64 ở đây, có thể xem là bước giai điệu hoá để làm đẹp bè trầm và làm phong phú thêm cho quy luật tiến hành bè. Hay như các hợp âm DTIII trong bài “Đẹp sao người chiến sĩ biên cương” “Tuổi đời mênh mông” và dtIII trong “Bài ca may áo”, đều là những hợp âm thuộc nhóm át ít dùng, cùng nhiều hợp âm phụ khác được dùng một cách rộng rãi, thoải mái… Điều đó cho thấy, cách phối hoà âm cho giai điệu theo phong cách chủ điệu không nên quá câu nệ, giữ nguyên tắc chặt chẽ, như đối với những giai điệu có tính hợp xướng. Vấn đề cốt lõi của hoà âm lúc này là sử dụng hợp âm một cách khái quát để tạo màu sắc mới cho giai điệu trên cơ sở của sức hút dẫn công năng trong điệu thức theo logic chung T-S-D-T.
Tóm lại, trong khi phối, nên áp dụng một cách uyển chuyển và đúng chỗ với nhiều phương pháp hoà âm khác nhau, để có thể khai thác tối đa sự phong phú, đa dạng về màu sắc của hợp âm, giúp tăng thêm giá trị cũng như sức truyền cảm mà hoà âm đem lại cho giai điệu sẵn có.
Những khái lược về âm hình đệm
Phối hoà âm cho ca khúc
Nếu chỉ đơn giản là đặt các công năng tương ứng phù hợp với các âm của giai điệu, thì cũng không thể làm cho nó sống động với đầy đủ ý nghĩa của một tác phẩm âm nhạc, dù đơn giản. Giai điệu ấy khó có thể được coi là “linh hồn” của tác phẩm. Muốn giai điệu được tô đậm, có sức thuyết phục hơn, có sự lôi cuốn, thì phải đưa thêm vào đó những âm hình đệm thích hợp. Giai điệu ca khúc có phần đệm hợp lý chắc chắn sẽ tạo ấn tượng sâu sắc cho sự cảm thụ âm nhạc.
Có nhiều kiểu âm hình đệm dành cho giai điệu, trên cơ sở các công năng hoà âm đã được âm hình hoá, mà đơn giản nhất là những hợp âm chồng cột dọc. Sự âm hình hoá hợp âm còn có thể tiến hành bằng cách:
– Tách hợp âm thành 2 phần: bè trầm và hợp âm (là những âm còn lại)
– Hợp âm được rải ra theo trật tự lên hay xuống hoặc có sự xen kẽ, đảo các thành phần âm trong hợp âm.
Một vài kiểu âm hình đệm đơn giản
Sau đây là một vài kiểu âm hình đệm đơn giản theo 2 cách trên:
Một phần hết sức căn bản trong khi viết phần đệm, đó là nhịp điệu, tốc độ, cùng tính chất của giai điệu, để từ đó chọn ra những âm hình thích hợp mà vận dụng. Hãy quan sát những thí dụ sau:
– Giai điệu mang tính chất ngợi ca, trang trọng (loại nhịp 24 ) có thể dùng âm hình đệm theo kiểu a1 a2, vừa dày dặn về âm thanh, lại vững vàng, rắn rỏi bởi tiết tấu đều đặn.
– Tính chất nhảy múa (vũ khúc) trở nên đậm nét bởi âm hình có tiết tấu linh hoạt theo kiểu a7.
– Hoặc, âm hình đệm có tiết tấu hơi nhanh của loại nhịp 34 thể hiện tính chất nhẹ nhàng, duyên dáng, rất quyến rũ của điệu Valse theo kiểu a3:
– Âm nhạc mang tính trữ tình, êm dịu, dùng âm hình có tiết tấu đều đặn, dàn trải theo kiểu b5, b6 sẽ rất phù hợp.
– Với khúc hát ru dịu dàng dùng âm hình rải kiểu b3, b7 tạo sự đung đưa của chiếc nôi rất hiệu quả.
– Còn sự vui nhộn, hài hước, nên dùng âm hình kiểu a, cùng tốc độ nhanh hoạt, sẽ cho cảm giác tươi trẻ, phấn khởi.
Nhìn chung, âm hình đệm hết sức phong phú và đa dạng với nhiều kiểu khác nhau. Trên đây là một vài khái niệm cơ bản về cách âm hình hoá hợp âm, để triển khai thành những âm hình đệm và cách sử dụng chúng. Mỗi âm hình đệm là một sáng tạo, không nhất thiết phải bó buộc theo một khuôn mẫu nhất định nào. Có thể tự tạo ra những âm hình mới hoặc trên cơ sở những âm hình đã có vẫn có thể thay đổi, biến hoá, làm cho chúng càng trở nên mới mẻ hơn.
Có thể thấy, phần đệm có ý nghĩa diễn cảm rất phong phú, bổ sung cho các tính chất của giai điệu, nên một phần đệm hợp lý không chỉ góp phần thể hiện nội dung âm nhạc sinh động hơn, sâu sắc hơn, mà còn mang lại sự thành công cho tác phẩm.
- Đọc thêm: Cách viết phần đệm đơn giản cho ca khúc
- Tải giáo trình học đàn: Tại đây
- Tham khảo các khóa học: Tại đây