Để học đàn guitar hiệu quả và có những nền tảng ban đầu vững chắc cho sự phát triển nâng cao đến chuyên nghiệp sau này, trước hết người học đàn guitar cần nắm rõ những nguyên tắc về sắp ngón cũng như những thế tay khi bắt đầu làm quen với loại nhạc cụ này.
Nắm các ký hiệu về ngón cho đàn guitar
Với mỗi loại nhạc cụ khác nhau thì có những ký hiệu cũng khác nhau, việc nắm các ký hiệu riêng biệt cho loại nhạc cụ mình đang theo học là các tốt nhất để khởi đầu hiệu quả và đúng cách.
Trong các bài tập guitar mà chúng ta thường gặp sẽ thấy những ký hiệu ghi số và ký hiệu chữ cái được hiểu là: những ký hiệu số sẽ áp dụng cho tay trái và chữ cái sẽ áp dụng cho tai phải như hình vẽ trên.
Ví dụ một bài tập ngón cho đàn guitar có ghi các ký hiệu trên, đồng nghĩa ta phải tuân thủ theo đúng sự sắp ngón đã quy định để sự chuyển tiếp các ngón được chuyên nghiệp hơn.
Như hình trên, các nốt từ “Mì… đến Fa” ở dây số 4 ta sử dụng ngón cái được ký hiệu chữ “p” và các nốt còn lại luân phiên giữa 2 ngón “i” và “m” là của tay phải. Còn tay trái là ký hiệu bên dưới ở dạng số.
Tuân thủ việc sắp ngón như trên sẽ dần hình thành thói quen bố trí ngón đúng cách, giúp việc học đàn guitar trở nên hiệu quả hơn nhờ vào những bài tập ngón ban đầu.
Những lỗi về sắp ngón, đặt tay trên đàn guitar mà người mới tập chơi thường gặp
Hiểu sai rằng: Ngón nào là của dây đó
Một số thông tin được thu thập từ nhiều bạn mới học guitar và thập chí ở nhiều người chơi guitar cũng kha khá thì mặc định mấy bạn hiểu rằng ngón nào thì đánh trên dây đó.
Ví dụ:
- Ngón trỏ (i) thì đánh trên dây 3
- Ngón giữa (m) thì đánh trên dây 2
- Ngón áp út (a) thì đánh dây 1
Kiến thức trên cũng có thể giúp bạn đánh được đàn guitar ra tiếng, nhưng để hiệu quả, đúng cách và chuyên nghiệp hơn chúng ta cần hiểu về sắp ngón như sau:
Về tay phải:
Đặt tay giữa lỗ thùng đàn, bàn tay hơi gấp hướng các ngón tay xuống dưới, khủy cổ tay hướng về phía cần đàn để làm sao móng tay tiếp xúc với dây đàn một cách tốt nhất.
Ngón trỏ (i) và ngón giữa (m) là 2 ngón được ưu tiên nhất ở tay phải khi thực hiện tỉa nốt (solo), tiếp đến là ưu tiên của ngón áp út (a) và ngón cái (p).
Với các bài tập có bè hòa âm người chơi đàn guitar nên sử dụng kỹ thuật móc dây, còn với các bài tập ở bè giai điệu độc lập hoặc có khả năng tách rời với hòa âm thì người chơi nên sử dụng kỹ thuật ép dây hoặc vuốt dây tùy vào tính chất bản nhạc để diễn tấu bản nhạc hiệu quả hơn, làm nổi bật hơn bè giai điệu trong bản nhạc.
Với việc hiểu nguyên tắc các ngón “i, m, a” không được một ngón đánh nhiều lần liên tiếp trên một dây thì bạn đã có thể linh động được các ngón ở tay phải của mình và sử dụng nó đúng cách và hiệu quả rồi. Cách sắp ngón luân phiên như vậy sẽ cho chúng ta không những hiệu quả về sắp ngón chuyên nghiệp mà còn giúp cải thiện tốc độ solo nốt khi chơi đàn guitar.
Về tay trái
Số là dạng ký hiệu thường gặp ở tay trái với cách soạn nhạc ở một số tài liệu học đàn truyền thống. Về sau ta còn gặp hình thức soạn nhạc sang TAB người ta thường gọi là Guitar TAB với phần khuông nhạc được mô tả như dạng dây đàn với 6 dòng kẻ, tương ứng là 6 dây đàn, có chú thích đầy đủ về số ngăn cũng như số ngón sử dụng ở ngăn nào, giúp người chơi có cái nhìn trực quan hơn; là kết hợp giữa khuông nhạc và (TAB) khuông kẻ mô tả dây đàn, ngăn – phím giúp cho việc nhìn bản nhạc và tìm nốt trên cần đàn một cách nhanh chóng.
Về phần sắp ngón trên đàn guitar ở tay trái người học cần nắm một số nguyên tắc sau:
Các ngón bấm vuông góc, nhấn mạnh và giữa các ngăn đàn. Việc bấm ngón đúng như vậy tuy không áp đặt khắt khe dành cho người mới tập, nhưng cũng là những khởi đầu đúng cách giúp người học có những thế bấm ngón đẹp và chuyên nghiệp về sau nếu áp dụng.
Đặt tay ở tư thế thoải mái nhất, cổ tay không được cong gấp; lỗi thường gặp là do người chơi hay ngã mặt đàn hướng về mình để nhìn thấy dây khiến cho cổ tay bên trái bị gấp lại. Cách tập như vậy sẽ tạo ra cảm giác mỏi tay một cách nhanh chóng và dễ nản khi ngồi học lâu. Và đặc biệt lưu ý là các ngón không được nhấc cao sau khi buông dây.
Môn học nhạc cụ nào cũng vậy, khởi đầu luôn là giai đoạn khó nhất bởi người học phải làm quen với những điều mà trước nay mình chưa làm bao giờ. Trải qua giai đoạn này bạn sẽ học nhanh hơn bình thường gấp nhiều lần bởi tiếp theo thường chỉ là kiến thức chứ phần thực hành không còn là vấn đề trở ngại nữa.
Để việc học đàn guitar trở nên hiệu quả ta cần có những khởi đầu đúng cách – đây không chỉ là cách học hiệu quả cho người học căn bản mà còn mà nền tảng quyết định đến sự có thể đạt được trình độ chuyên nghiệp về sau hay không ở mỗi người.